Kỹ thuật trồng xoài
18-03-2014 13:33
1. Thời vụ
Nên trồng đầu mùa mưa (tháng 5-7 dương lịch). Với cây ghép nên ghép trước 4-6 tháng. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đất thấp nên lên mô, đường kính mô từ 80-100cm, cao 30-60cm, đất trồng nên trộn thêm 30-50% phân chuồng, phân hữu cơ, tro trấu trước khi đặt cây. Vùng cao thoát thủy tốt có thể đào hố rộng và sâu 60cm trộn thêm phân hữu cơ trước khi trồng. Ngoài phân hữu cơ nên bón lót thêm 200-300g phân NPK Phú Mỹ (16-16-8)+13S trên mỗi hốc ở dưới và xung quanh bầu cây.
2. Khoảng cách trồng
Tùy độ màu mỡ của đất và dạng cây. Các giống xoài trồng từ gốc tháp ở ĐBSCL có thể trồng với khoảng cách 7-9m (hình vuông hay hình nanh sấu), xoài Bởi trồng gần hơn (6,5-7m), trồng hột có thể xa hơn (9-10m). Vùng đất cao có thể trồng thưa hơn vì tuổi thọ lâu, cây cho tán lớn. Nhìn chung, xoài trồng tại các nước thường được khuyến cáo trồng với khoảng cách 9-15m.
3. Phân bón
Giai đoạn cây con cần bón khoảng 300-500g NPK Phú Mỹ (16-16-8)+13S và 300g Đạm Phú Mỹ trên mỗi cây hàng năm, chia làm 2 lần mỗi lần 1/2) ở đầu và cuối mùa mưa. Phân được trộn và chôn 4-5 lỗ xung quanh tán cây.
Đối với cây trưởng thành, phân bón là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc cho trái cách năm của xoài. Sau năm đạt năng suất cao (năm trúng), thiếu phân bón và tưới nước trong mùa khô, xoài sẽ ra hoa ít và rụng nhiều (năm thất mùa).
Bondad, N.D và Al. (1986) khuyến cáo nên bón cho xoài ở Philippines làm 2 lần, mỗi lần 1 kg/cây phân 14-14-14 (có thể dùng tương đương với NPK Phú Mỹ 16-16-8 của Việt Nam và thêm KCl), bón vào đầu mùa mưa (lúc cây có trái) và tháng 9-10 dl (lúc trước khi ra hoa).
Meulen (1971) và Chadha (1975) cũng có những khuyến cáo bón phân lúc cây đậu trái và trước khi ra hoa cho xoài Châu Phi và ấn Độ để nuôi trái và kích thích cho nhiều hoa.
Khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Cây ăn trái Pháp cho biết, bón 1kg N + 0,25kg P2O5 + 1kg K2O cho cây trưởng thành hàng năm (1,7kg Đạm Phú Mỹ + 0,5kg DAP + 1,6kg KCl mỗi cây). Trên đất màu mỡ, cây cho nhiều lá có thể giảm bón N để làm tăng tỷ lệ C/N giúp cho cây nhiều hoa.
Tại Florida (Hoa Kỳ), Puehle và Ledin (1960) khuyên nên bón phân với tỷ lệ 2:4:2:1 (N-P-K-Mg) và phun vi lượng (Cu, Zn, Mn) cho cây tơ. Với cây lớn, giảm P và bón 2:2:2:1 bón lúc ra mầm phát hoa và mang trái. Tỷ lệ phấn giảm còn 2:1:2:1 ở các năm cho trái ổn định (cây từ sau năm 10 năm tuổi).
Dokmaihom, S & ctv (1996) khuyến cáo quy trình bón phân cho cây trưởng thành (từ 5 năm tuổi) trên đất liếp tại Thái Lan như sau:
- Thời kỳ sau thu hoạch: Cần bón 300-450 g mỗi loại/cây N, P2O5 sau khi xén tỉa các cành vô hiệu để giúp cây cho nhiều tược, lá mới và hồi phục sau thời kỳ mang trái.
- Thời kỳ ra lá non: Tùy tình trạng dinh dưỡng, kích thước của đọt, có thể bón 90-240g N, 240-480g P2O5 và 120-480gK2O/cây để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trước khi ra hoa.
- Thời kỳ tiền ra hoa (hoặc xử lý ra hoa); Phun phân hỗn hợp 0-52-34 ở 0,3-1,5%, sau đó xử lý ra hoa với Thiourea (0,4-0,5%) hoặc KNO3 (2,0-2,5%) để giúp cây ra hoa trái vụ. Cần tái xử lý (với liều giảm 1/2) nếu cây không ra hoa.
- Thời kỳ trái non 1,5 tháng tuổi (trong khoảng 3cm): Sử dụng các dạng phân bón lá để cung cấp thêm vi lượng cho cây.
- Thời kỳ trái non 2 tháng tuổi (5cm): Bón 150-200g mỗi loại/cây N, P2O5 (với lượng N cao hơn) để giúp trái phát triển tốt.
- Thời kỳ trái lớn (khoảng 0,5 tháng trớc khi thu hoạch): Phun dung dịch dinh dưỡng (giàu P, K) để giúp trái cho màu sắc đẹp.
Tại ĐBSCL, ở một số giống xoài khi trái sắp già dễ bị hiện tượng nứt trái (thí dụ xoài Battambang). Trờng hợp này thường gặp khi bón quá nhiều N hoặc K (hoặc do đất quá màu mỡ) làm mất cân đối, cây bị thiếu Ca nên nứt trái. Có thể bón thêm vôi hoặc CaSO4 hay phun Ca(NO3)2 để giảm hiện tượng này.
Trong các dưỡng chất, N giúp cải thiện màu vỏ trái chín và nếu có thêm K sẽ giúp cải thiện cả màu sắc và hương vị trái. Thiếu K còn làm trái nhỏ, có vị chát, nhưng thừa K sẽ làm trái bị nứt. Xoài ít biểu hiện triệu chứng thiếu P ở đất bình thường.
Đối với xoài, để giảm tập quán cho trái cách năm, người ta thường bón đầy đủ phân bón, nhất là phân N vào các năm trúng mùa để cây tích lũy đủ dinh dưỡng cho năm sau (thất mùa). Trong năm thất chỉ nên bón ít phân để cây không cho quá nhiều trái vào năm trúng gây kiệt sức. Một số nông dân có kinh nghiệm trồng xoài ở ĐBSCL còn phun thêm thuốc sát trùng (với nồng độ cao gấp 1,5-2,0 lần) lên bông xoài đang nở của năm trúng để hạn chế số trái đậu, dành sức cho năm thất hầu bán được giá hơn.
Xem tiếp
- Kỹ thuật trồng đậu đũa (18-03-2014 13:23)
- Kỹ thuật trồng đậu cove (18-03-2014 12:44)
- Kỹ thuật trồng ớt (03-03-2014 16:22)